Giới thiệu:
Trong quá trình nghiên cứu, lắp ráp thử một mạch điện, sẽ rất bất tiện nếu cứ phải hàn đi hàn lại linh kiện mà chưa thể biết liệu hàn như vậy đã hợp lý chưa, đôi khi chính việc hàn đi hàn lại như thế này đã làm hỏng các linh kiện, ảnh hưởng tới quá trình lắp ráp thử nghiệm.
Mạch cắm thử được tạo ra để người dùng phát triển các ứng dụng điện, điện tử có thể dễ dàng kết nối các linh kiện với nhau mà không cần mối hàn. Các linh kiện có thể cắm trực tiếp bằng tay sau đó gắn dây kết nối ngoài để hoàn thành mạch thử nghiệm.
Có khá nhiều hình dạng và mẫu mã của mạch cắm thử này, tuy nhiên ở Việt Nam thường xuất hiện là loại như trong ảnh:
Cách sử dụng:
Mạch cắm thử được thiết kế để có thể cắm được hầu hết các loại linh kiện dạng chân cắm thông thường. Ví dụ như các loại IC dạng DIP, các loại điện trở thường, transistor, tụ …

Một điều cần chú ý nữa là: một số lỗ cắm của mạch cắm thử được kết nối với nhau, bạn phải nắm được sơ đồ kết nối này để có thể sử dụng được, thực tế thì sơ đồ này cũng không có gì là phức tạp lắm. Dưới đây là một sơ đồ của mạch được giới thiệu ở trên:

(mạch đã được rút gọn lại chiều ngang 2 bên)
Sau khi đã cắm linh kiện vào mạch, bạn có thể sẽ phải thêm dây nối ở ngoài để có thể hoàn thành lắp ráp như đã thiết kế. Ngoài ra bạn có thể lắp ráp nhiều mạch với nhau để có được một diện tích thiết kế lớn hơn, việc kết nối rất dễ dàng nhờ các mấu bám bên thành mạch.
Mạch cắm thử thường chỉ được tạo ra cho mục đích nghiên cứu và thử nghiệm lắp ráp các mạch điện cá nhân, không được thiết kế sử dụng trong việc lắp ráp các mạch điện thương mại.
Một số điều cần chú ý khi sử dụng mạch cắm thử:
  • Mạch không được thiết kế để chịu được điện áp cao hoặc các mạch hoạt động ở tần số lớn.
  • Phải chú ý các đường dây nối bên trong mạch để tránh các trường hợp kết nối bị chập, kết nối nhầm.
  • Đôi khi sau một thời gian sử dụng, các lỗ mạch có thể tiếp xúc không tốt, bạn cũng cần rất chú ý điều này.